Thiết kế nội thất không hợp lý khiến căn nhà trở nên chật chội, rườm rà, kém sang, thậm chí gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Kích cỡ nội thất không phù hợp với không gian
Đây là một lỗi rất phổ biến nhiều người mắc phải khi tự thiết kế nội thất. Nguyên nhân là do gia chủ không đo diện tích, kích thước phòng trước khi mua sắm nội thất. Lúc mua sắm, gia chủ lựa chọn món nội thất mình thấy đẹp, ước lượng bằng mắt là nó vừa với không gian rồi chốt luôn. Chính sự cảm tính này khiến nội thất khi đặt vào trong không gian lại trở nên bất cân xứng, không có sự hài hòa, có thể là quá to, chiếm quá nhiều diện tích hoặc quá nhỏ, lọt thỏm giữa không gian.
Theo các chuyên gia, khi thiết kế nội thất nên để một lối đi rộng khoảng 91cm để tạo cảm giác không gian thông thoáng, không nên sắp xếp các món nội thất san sát nhau vì thường gây cảm giác chật chội, bí bách. Với các loại nội thất cần đóng mở như tủ quần áo, tủ bếp, tủ lạnh… cần chú ý đến cả phần không gian khi mở cửa, giúp thuận tiện trong sinh hoạt.
Lộn xộn phong cách thiết kế
Tự thiết kế nội thất sẽ giúp gia chủ tiết kiệm được khoản phí thuê thiết kế, đồng nghĩa với việc sẽ không có bản vẽ nội thất và phong cách thiết kế cũng tùy ý gia chủ. Đa số gia chủ không có định hình rõ ràng về phong cách thiết kế chung cho căn nhà mà chỉ đơn thuần lựa chọn các món đồ nội thất mình thấy đẹp, vừa giá tiền rồi sắp xếp lại trong không gian theo gu thẩm mỹ của bản thân.
Điều này có thể dẫn tới màu sắc, bố cục, kiểu dáng của các món đồ nội thất khi đặt cạnh nhau không hài hòa, khiến không gian lộn xộn, không đồng bộ, thiếu tinh tế, kém sang. Thậm chí, căn nhà là một tổng thể chung nhưng vì không có phong cách thiết kế chủ đạo nên mỗi không gian lại mang một phong cách nội thất khác nhau, trông “chắp vá”, không ăn nhập với nhau.
Để khắc phục điều này, gia chủ nên xác định một phong cách thiết kế cụ thể. Căn nhà sẽ có màu sắc chủ đạo và các món đồ được chọn phải có màu sắc hài hòa, thiết kế phù hợp với tổng thể không gian. Chỉ khi lựa chọn đúng màu sắc, kiểu dáng đồ nội thất, không gian mới có hiệu ứng tốt về thị giác.
Chi tiêu quá tay khi mua sắm nội thất
Thị trường đồ nội thất hiện nay vô cùng đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, giá thành. Những món đồ đẹp và hiệu năng sử dụng cao sẽ có giá thành cao hơn các sản phẩm khác. Để tránh chi tiêu vượt ngân sách, gia chủ cần giới hạn mức giá cho từng món đồ. Trong đó, ưu tiên cho những đồ nội thất cơ bản như: sofa, tủ quần áo, giường ngủ, bàn ăn, tivi, tủ lạnh…
Khi mua sắm nên chọn lựa những món đồ có giá cả phù hợp với ngân sách đã hoạch định sẵn, tránh mua tùy hứng hoặc đổi ý vì thấy món này, món kia đẹp hơn thứ mình đã “ngắm” trước đó, dẫu giá cao hơn nhiều. Nên nhớ, có rất nhiều đồ nội thất cần phải mua, chỉ cần mỗi món chênh lên vài trăm nghìn, vài triệu đồng thì gia chủ cũng đã “lạm chi”, không còn đủ tiền để mua các vật dụng khác như kế hoạch ban đầu nữa.
“Quên” hệ thống kỹ thuật của căn nhà
Các thiết bị nội thất cần sử dụng điện, nước để hoạt động luôn có mối liên quan mật thiết với các vấn đề kỹ thuật. Mỗi loại thiết bị, mỗi hãng có những yêu cầu, đặc tính kỹ thuật khác nhau, đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật khác nhau. Để tận hưởng được các tiện nghi mà các thiết bị nội thất kia mang lại, gia chủ phải quan tâm đến vị trí lắp đặt, kết nối để nó hoạt động trơn tru, bền bỉ và an toàn.
Nếu không có tính toán cẩn thận mà chỉ làm tùy hứng, sắp xếp các thiết bị nội thất không phù hợp sẽ gây ra hàng loạt bất tiện trong sinh hoạt. Ví dụ đặt thiết bị cần dùng điện ở nơi không có ổ cắm, nơi có ổ cắm lại bỏ không, công tắc bị đồ nội thất kê vào che khuất… Khi đó rất hay phải sửa chữa bổ sung chắp vá, gây mất an toàn, ảnh hưởng thẩm mỹ.
Nguồn: Hương Linh (Tổng hợp)