Bên cạnh tác dụng chiếu sáng, tẩy trùng không gian, mang lại sức sống, tác dụng tốt lên sức khỏe… thì ánh sáng trong không gian sống còn giúp ngăn ngừa trầm cảm, cải thiện cảm giác bình an và hạnh phúc cho chúng ta nữa. Mức độ chiếu sáng phù hợp cũng làm cho sự vận hành của năng lượng phong thủy trở nên tốt đẹp.
Có 2 nguồn sáng cơ bản, đó là ánh sáng tự nhiên (ánh sáng mặt trời) và ánh sáng nhân tạo. Thế nên, việc bố trí hợp lý không gian sống để tối đa hóa ánh sáng mặt trời và lắp đặt hệ thống chiếu sáng phù hợp là rất quan trọng.
Ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng mặt trời luôn là nguồn sáng tốt nhất. Cửa sổ và cửa ra vào là những “cổng chính” để ánh sáng tự nhiên vào nhà. Vì vậy, cần định hướng khi thiết kế ngôi nhà để những chiếc cửa trong nhà bạn đón ánh sáng tốt nhất.
Ngoài ra, có một vài cách để tối đa hóa ánh sáng tự nhiên trong nhà:
Gương: Chúng đặc biệt hữu ích cho những không gian nhỏ hoặc tối. Bạn có thể đặt một tấm gương lớn đối diện với một cửa sổ để phản chiếu ánh nắng mặt trời vào nhà tốt hơn.
Màu sắc: Tường nhà màu trắng và đồ nội thất tông sáng sẽ là một sự hỗ trợ lớn trong việc phản chiếu ánh sáng mặt trời.
Cửa sổ: Có thể chọn chất liệu kính cho cửa sổ, tối đa kích thước cửa sổ, giữ cho cửa sổ sạch sẽ, không nên để các vật dụng nội thất trước cửa sổ vì chúng ngăn cản sự lưu thông của ánh sáng vào phòng. Chỉ khi cần sự kín đáo hay cần giảm lượng ánh sáng những lúc nghỉ ngơi thì mới nên buông màn cửa sổ.
Ánh sáng nhân tạo
Ánh sáng này có thể từ đèn trang trí, đèn tường, đèn trần, hoặc từ nến.
Xu hướng hiện nay là trang trí ánh sáng bằng các đèn điện mà không lộ ra bóng đèn. Dùng đèn âm trần, âm tường tạo ra nguồn sáng trang trí từng góc có chủ định. Đối vối các loại đèn âm trần thường bố trí các loại đèn bóng tròn, halogen, neon, compact để có một ánh sáng nền vừa phải. Đây là cách chiếu sáng gián tiếp. Ánh sáng gián tiếp sẽ tạo cảm giác chan hoà, thoải mái và không bị chói mắt, đặc biệt là khi xem ti vi hay nghỉ ngơi, thư giãn.
Nên bố trí nhiều điểm chiếu sáng trong nhà để có thể sử dụng tùy theo từng nhu cầu như đọc sách, thư giãn, họp mặt gia đình, đón tiếp khách, uống trà – café… Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng nên được thiết kế để có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng ánh sáng tùy ý.
Sử dụng hợp lý ánh sáng trắng và ánh sáng vàng, ví dụ, ở không gian bếp thường dùng ánh sáng trắng của đèn huỳnh quang để nhìn rõ đồ vật trong bếp khi nấu ăn, ở góc thư giãn thì nên dùng ánh sáng vàng nhẹ, ánh sáng trong phòng ăn nên có sự kết hợp giữa ánh sáng trắng và vàng, tạo sự ấm cúng, ngon miệng…